Nhân ngày thị trường giảm siêu mạnh ngày 03/04/2025 tôi ngoài việc vui buồn lẫn lộn thì cũng tranh thủ chia sẻ một số hành động nên làm khi gặp những phiên tiêu cực bất ngờ như thế này.
Tôi nghĩ có nhiều hành động ứng xử khác nhau. Có lẽ không có đúng sai vì mỗi người một tình trạng khác nhau ( Sử dụng chiến lược nào, dài hạn, ngắn hạn, nắm giữ cổ phiếu nào, có sử dụng margin không, có còn tiền dư không...) nhưng có một số nguyên tắc có thể có lợi khi tuân thủ:
(1) Có cổ phiếu sẵn sàng bán và có khả năng bán được ngay khi cần.
(2) Có tiền để sẵn sàng mua và mua được ngay khi cần.
Trong lúc mọi thứ hỗn loạn này bạn làm gì cũng không đúng, không sai mà cố gắng đảm bảo được 2 nguyên tắc trên.
Nhiều lời khuyên như đừng bán hoặc đợi hồi rồi bán, kiểu gì cũng có hồi kỹ thuật, đừng mua lại ngay, đừng thấy hoa nở mà ngỡ xuân về...Nó không dành cho bạn vì bạn đang nắm giữ Bluechip khác với bạn đang nắm giữ cổ phiếu Penny. Bạn còn vài tỷ ở ngân hàng đang có mức lãi suất thấp khác với bạn đang vay nợ và ở trạng thái full margin...Bạn và trạng thái của bạn là duy nhất.
Cụ thể hơn:
I. Với góc nhìn thực tế của trader tay ngang như tôi :
Với những người có chiến lược rõ ràng như đầu tư dài hạn, đầu tư theo nhóm ngành, theo doanh nghiệp, không sử dụng margin thì tôi không dám nói đến vì họ đã có chiến lược cụ thể rồi và thường họ cũng bỏ qua những biến động như thế này hoặc không hoảng loạn.
Với những người chưa có chiến lược rõ ràng: Cố gắng giữ trạng thái vừa có cổ phiếu tốt vừa có tiền dư 20-50% tiền mặt ( tiền gốc không margin )
Tư duy và Hành động nên có:
- Ưu tiên giữ cổ phiếu phù hợp Bluechip, Midcap, Đầu ngành...Những cổ phiếu này bạn không cần phải bán hoảng loạn, bán bằng mọi giá...Bạn có thể bình tĩnh và xử lý dần sau khi đã nắm bắt được nguyên nhân của đợt giảm, lên được kế hoạch. Vì luôn có người muốn mua khi nó giảm giá, được coi là giá rẻ.
- Bán toàn bộ cổ phiếu không phù hợp ( penny, bơm thổi... nếu có), hoặc các cổ phiếu mà khi giảm giá không có người mua. Có những cổ phiếu bạn sẽ bị sàn liên tục 4-5 phiên, không có cơ hội bán được. Hãy bán ngay khi có cơ hội, hoặc tối thiểu bán đi 1/2 để dành cơ hội cho những cổ phiếu phù hợp. Trong quá trình hồi phục xác suất tăng gía của những cổ phiếu phía trên luôn cao hơn vì người ta sẵn sàng mua khi nó được chiết khấu.
Cái này bạn có thể kiểm tra lại những đợt giảm mạnh trước thì cổ phiếu mình đang nắm giữ phản ứng ntn, nó có bị sàn liên tục không, hoặc nó có được mua sớm sau đợt giảm không.
- Nếu muốn mua thêm sau khi đã loại bỏ được các cổ phiếu không phù hợp. Bạn hãy mua những cổ phiếu phù hợp bạn đang có sẵn, còn lại trong danh mục, để đảm bảo tính cơ động cần thiết khi muốn bán có thể bán ngay. Không bị vướng T+.
Tư duy và hành động không nên có:
- Giữ nguyên trạng thái full cổ phiếu, tắt bảng điện và kiểu gì nó chả tăng lại. Với những cổ phiếu không phù hợp thì nó sẽ có thể giảm mãi luôn không có cơ hội phục hồi. Bạn có thể kiểm tra cổ phiếu bạn đang có trong nhưng tình huống quá khứ tương tự xem đã diễn biến ntn.
- Mua trung bình giá xuống. Thực chất với những chiến lược cụ thể các chuyên gia họ vẫn trung bình giá xuống, khi thị trường giảm là cơ hội để họ mua vào, nhưng nên nhớ họ đã trả lời được câu hỏi đây là đợt giảm giá ngắn hạn không phải là sự bắt đầu của downtrend. Nếu bạn trả lời được câu hỏi đó hoặc đánh giá được xác suất cao đây chỉ là một đợt giảm giá ngắn hạn ( pullback trong xu hướng tăng ) bạn có thể trung bình giá xuống. Nếu không thì thôi. Bạn nên chờ đợi, có thể tham gia chậm hơn, bỏ lỡ nhịp hồi mạnh mẽ nhưng cũng sẽ thoát chết nếu nó là một xu hướng giảm giá đang hình thành. Bạn chọn Rớt nước miếng hay Rớt nước mắt chính là ở chỗ này.
- Sử dụng margin cao để tìm kiếm cơ hội kiếm lợi nhuận, thị trường giảm nhanh thế này kiểu gì chả có hồi, múc thêm margin để khi hồi lại ăn nhiều hơn. Khi những phiên cổ phiếu bắt đáy về tay, nếu lãi thì người ta chẳng ngần ngại gì đem ra bán kiếm 7 - 10% cả. Nên không có nhiều nhịp hồi phục chữ V mạnh mẽ mà bạn lỡ mất cơ hội. Yên tâm là như thế. Trong lúc này hãy ưu tiên an toàn trước khi nghĩ đến lợi nhuận, nếu thực sự là một nhịp pullback trong xu hướng tăng thì sau khi nó vượt đỉnh cũ nó mới thực sự là cơ hội để bạn thể hiện.
II. Với một góc nhìn từ sách giáo khoa chúng ta quan tâm đến cụm từ Quản trị rủi ro trong đầu tư. Rủi ro là những sự việc tiêu cực ( hoặc tích cực ) diễn ra ngoài mong đợi.
Rủi ro bao gồm:
(1) Rủi ro thị trường: Rủi ro chung của cả thị trường chứng khoán Việt Nam. VD phiên sàn cả thị trường ngày 03/04/25 vừa qua.
(2) Rủi ro riêng biệt của cổ phiếu: Rủi ro của riêng cổ phiếu.
Khi tham gia thị trường chứng khoán chúng ta chịu cả hai loại rủi ro này.
Và để Quản trị 2 loại rủi ro này thì sẽ có Chiến lược quản lý danh mục đầu tư:
(1) Giảm Rủi ro thị trường bằng cách đa dạng hoá Danh mục đầu tư để kiểm soát rủi ro thị trường chứng khoán. VD: Danh mục có thêm Tiền gửi, Vàng...Thường thì sẽ phân loại theo Tính thanh khoản, Mức độ rủi ro...
(2) Giảm rủi ro riêng biệt của cổ phiếu bằng cách đa dạng hoá Danh mục cổ phiếu có thể bao gồm nhiều ngành, nhiều mã, có beta khác nhau, mức độ tương quan khác nhau để danh mục không bị ảnh hưởng lớn từ một nhóm ngành hoặc một mã cổ phiếu riêng lẻ nào đó gặp vấn đề rủi ro.
Ưu điểm:
- Danh mục sẽ có mức độ sụt giảm thấp. Gía trị danh mục sẽ tăng trưởng mượt mà hơn, không giảm mạnh và cũng không tăng mạnh. Ví dụ mục tiêu cứ đều đều 15%/ năm. Năm nào nó cũng thế. Không phải năm thì +50% năm thì -30%. Nhà đầu tư không cần thuốc trợ tim. VD: trong giai đoạn vừa rồi cổ phiếu tăng giảm thất thường, nhưng vàng thì lại tăng với quán tính tương đối lớn. Khi cổ phiếu giảm do chính sách tiền tệ thắt chặt thì tiền gửi được tăng lãi suất...
- Đây cũng là nguyên lý của cụm từ chúng ta thường nghe thấy đó là Four Season Investing ( Đại thể là đầu tư vào tất cả các giai đoạn thị trường Tăng trưởng - Đạt đỉnh ( lạm phát ) - Suy thoái - Giảm phát ). Nhà dầu tư sẽ thay đổi tỷ trọng của các tài sản chính trong Danh mục ( Cổ phiếu, Hàng hoá - Bđs, Tiền gửi, Trái phiếu chính phủ ) theo từng giai đoạn của chu kỳ kinh tế.
Nhược điểm:
- Vốn nhỏ ( vài trăm triệu ) khó phân bổ theo kiểu này được.
- Yêu cầu kiến thức, tâm lý, kinh nghiệm, thông tin nhiều.
- Có thể rơi vào trạng thái đa dạng hoá quá mức dẫn đến tỷ suất lợi nhuận không được như kì vọng
- Có thể rơi vào trạng thái vào lệch tất cả các nhịp dẫn đến sự thay đổi tỷ trọng từng loại tài sản trong từng giai đoạn không đạt hiệu quả thậm chí thua lỗ. Lý thuyết thì màu hồng nhưng thực hành thì toàn màu ghi không có gì chắc ăn cả.
Vậy nếu theo góc nhìn này, khi thị trường giảm mạnh như thế này họ có thể giảm tỷ trọng tiền mặt, tăng tỷ trọng cổ phiếu bằng cách mua dần. Giảm tỷ trọng vàng dần và tăng tỷ trọng cổ phiếu dần.
Hy vọng bài viết sẽ giúp ích được cho bạn trong thời điểm khó khăn này !!!