Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về việc sử dụng Phân tích cơ bản ( FA ) hay Phân tích kỹ thuật ( TA ) trong giao dịch chứng khoán và các tài sản khác ?
Trước nhất mục tiêu cuối cùng của việc phân tích cơ bản hay kỹ thuật đều là tạo ra lợi nhuận một cách nhất quán và bền vững cho nhà đầu tư, trong dài hạn hoặc trong ngắn hạn.
Để tạo ra lợi nhuận thì cách phổ biến nhất là giá mua thấp hơn giá bán.
Quay lại câu chuyện vì sao cổ phiếu tăng giá ( Bạn có thể tham khảo chi tiết ở bài viết này )
https://www.danhmuccophieu.com/2025/03/tai-sao-co-phieu-tang-gia-phan-1.html
Cổ phiếu có thể tăng giá do:
1. Được các tổ chức định giá cao hơn <-- Kì vọng về lợi nhuận tốt hơn
2. Dòng tiền ngoại, dòng tiền nội đang trong giai đoạn dồi dào <-- Do chính sách tiền tệ nới lỏng, do tích lũy người dân lớn và chứng khoán thu hút được nguồn vốn từ dân cư này.
Vậy thì chúng ta cùng xem Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật nhận diện 2 nguyên nhân này như thế nào ?
Phân tích cơ bản bao gồm nhiều lý luận, logic dựa trên các nguyên lý kinh tế lâu đời và có hệ thống bao gồm các bước chính như sau:
1. Phân tích vĩ mô ( Đánh giá tổng quan tình hình kinh tế , các chính sách tiền tệ, tài khóa của quốc gia và thế giới ) --> Để kết luận dòng tiền đang ở trạng thái nào, đang dư thừa hay đang thiếu thốn --> Tác động vào nguyên nhân số 2.
2. Phân tích ngành ( Đánh giá các đặc điểm của ngành kinh tế, ngành kinh tế của quốc gia phân tích đang ở giai đoạn mới nổi, tăng trưởng, bão hòa hay suy thoái, mức độ cạnh tranh trong ngành như thế nào, các yếu tố thành công cần có của các doanh nghiệp trong ngành như thế nào ) --> Để tìm ra với cơ cấu và định hướng phát triển của quốc gia phân tích thì Ngành phân tích có đang là ngành được ưu tiên không. VD: Ngành ngân hàng ở thị trường Việt Nam, Ngành công nghệ ở thị trường Mỹ...
3. Phân tích doanh nghiệp ( Sau khi lựa chọn được ngành kinh tế rồi, chúng ta tìm doanh nghiệp đang có trạng thái tốt trong ngành lựa chọn để đầu tư, giao dịch. Công việc này cần đánh giá chiến lược kinh doanh của công ty, đánh giá các chỉ tiêu tài chính, dự báo doanh thu, lợi nhuận, định giá giá trị cổ phiếu để xác định mức giá hợp lý, từ đó đưa ra quyết định mức giá nào nên mua, mức giá nào nên thoát ra ) --> Tác động vào nguyên nhân số 1.
Vậy là chúng ta đã nhìn thấy phân tích cơ bản giải quyết 2 nguyên nhân cổ phiếu tăng giá như thế nào. Ưu tiên số 1 là dòng tiền, khi dòng tiền dư thừa hoặc tập trung nhiều vào một tài sản ví dụ thị trường cổ phiếu, thì tất cả các cổ phiếu xấu tốt đều tăng giá thậm chí tăng với những nhịp tăng lớn, mạnh mẽ. Khi mà dòng tiền yếu hơn, chỉ những cổ phiếu tốt, ngành tốt tăng giá. Và cũng chỉ tăng với những nhịp tăng không quá mạnh mẽ và xảy ra hiện tượng luân chuyển dòng vốn giữa các nhóm ngành kinh tế.
Ngoài 3 bước chính trên, chúng ta còn một bước nữa thuộc về Quản trị danh mục đầu tư đa lớp tài sản. Sẽ bao gồm các tài sản chính: Tiền gửi, Cổ phiếu, Hàng hóa ( Vàng vật chất, Bất động sản ), Trái phiếu ( nếu có ). Tiền của chúng ta quyết định đầu tư sẽ được phân bổ cho đa lớp tài sản. Những lớp tài sản này khác nhau về thanh khoản, rủi ro. Phần phân tích vĩ mô sẽ giúp chúng ta phân bổ hợp lý tỷ trọng từng lớp tài sản ví dụ theo chu kỳ kinh tế thì sẽ cần có tỷ trọng nhiều hơn cho lớp Cổ phiếu trong giai đoạn Phục hồi, tỷ trọng nhiều hơn cho lớp hàng hóa trong giai đoạn Tăng trưởng, tỷ trọng nhiều hơn cho lớp Tiền gửi trong giai đoạn Đạt đỉnh, tỷ trọng nhiều hơn cho lớp Trái phiếu trong giai đoạn Suy thoái.
Tiếp theo đó là trong lớp tài sản Cổ phiếu sẽ có Quản trị danh mục cổ phiếu. Bước này là cách bạn kết hợp nhiều mã cổ phiếu, thuộc nhiều ngành để tối thiểu rủi ro dẫn đến tối ưu lợi nhuận kì vọng. Như việc chọn các cổ phiếu có hệ số beta khác nhau , có độ tương quan khác nhau..Sau đó ứng dụng phân tích vĩ mô để quản lý rủi ro thị trường chung. Cuối cùng để danh mục cổ phiếu sẽ tăng một cách vượt trội hơn thị trường chung, tăng mượt mà hơn, ít trạng thái sụt giảm mạnh.
Đây là toàn bộ những bước chính trong việc Phân tích cơ bản trong đầu tư cổ phiếu.
Thường thì phân tích cơ bản sẽ là công cụ giúp bạn đầu tư mang tính dài hạn hơn. Tuy nhiên cũng có những ứng dụng của phân tích cơ bản này cho việc giao dịch ngắn hạn ví dụ như theo dõi diễn biến của giá nguyên liệu trong các ngành chu kỳ, các chỉ số vận tải... ( vd: xăng dầu, phân đạm, thép, vận tải kho bãi... ) nhằm dự đoán lợi nhuận tương lai trước khi các báo cáo quý được đưa ra để tìm kiếm cơ hội mua trước thị trường.
Vậy Phân tích cơ bản là một hệ thống chặt chẽ và logic.
Nhưng thực tế thì việc phân tích toàn diện như vậy sẽ yêu cầu một quy trình thu thập, tổng hợp dữ liệu, đánh giá phân tích, kết luận với kiến thức phức tạp, kinh nghiệm phong phú. Khó tiếp cận với đa phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ chúng ta.
Hơn nữa, nó cũng không phải là bài toán 1+1 = 2. Ví dụ đang là giai đoạn suy thoái, đợi hết suy thoái là đến giai đoạn phục hồi ta sẽ mua vào. Nó không dễ dàng nhận diện như vậy. Các chính phủ, các tổ chức nghiên cứu cần nhiều dữ liệu xác nhận để khẳng định điều này. Khi họ công bố số liệu thì thị trường đã tăng rồi vì chứng khoán là kì vọng. Tức là việc xác định thời điểm tham gia vào thị trường nó không hề dễ dàng và không thể rõ ràng. Giống câu "Nước trong thì không có cá" vậy. Một giai đoạn bắt đầu trong sự nhiễu loạn thông tin. Khi mọi thứ đã rõ ràng thì đã gần hết giai đoạn đó.
Do vậy, các cá nhân, tổ chức họ vẫn nghiên cứu các mô hình với các chỉ tiêu vĩ mô, ngành, doanh nghiệp có tính định lượng để đánh giá các cơ hội tham gia và thoát ra khỏi thị trường. Và chấp nhận xác suất đúng sai của các mô hình đó.
Bài viết sau chúng ta thảo luận về Phân tích kỹ thuật nhé !
Hi vọng bài viết này sẽ đem lại cho bạn một lợi thế nào đó trong giao dịch !