Nội dung chính của bài viết:
- Điều gì là thứ quan trọng nhất khi tiếp cận thị trường chứng khoán kiến thức, kĩ năng hay tư duy ?
- Chúng ta thất bại bởi KÌ VỌNG.
----------------------------------------------------------------------------
Điều gì là thứ quan trọng nhất khi tiếp cận thị trường chứng khoán kiến thức, kĩ năng hay tư duy ?
Khi tiếp cận thị trường chứng khoán hoặc bất cứ kênh đầu tư nào khác. Đa phần mục tiêu của chúng ta sẽ là tạo ra lợi nhuận. Mưu cầu một nền tảng tài chính tốt hơn, một cuộc sống sung túc hơn. Khi chúng ta thất bại, chúng ta sẽ bị gọi là những tay cờ bạc, những kẻ tham lam. Đúng là như vậy chúng ta tham lam và thiếu mọi thứ để dễ dàng vấp ngã. Nhưng có mấy ai không tham, không mong muốn giàu sang ?
Có một điều rất đáng tiếc đó là bản thân tôi và tôi tin rằng nhiều người khác cũng giống tôi không được trang bị những kiến thức tài chính cá nhân cần thiết để tham gia vào thị trường. Như việc xây dựng những nguồn thu nhập cần thiết, quản lý chi tiêu, tiết kiệm và tích luỹ, phân bổ vào những khoản dự phòng khẩn cấp, và sau đó là xây dựng những tài sản sinh lời trong tương lai ( Năng lực cá nhân, tiền gửi, bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu, tiền điện tử...). Quản lý tài chính cá nhân nó chỉ đơn giản bao gồm những bước như vậy. Và cổ phiếu chỉ làm một phần trong những lựa chọn xây dựng tài sản sinh lời trong tương lai. Rất tiếc chúng ta không được học những thứ như vậy.
Chúng ta tiếp cận thị trường ngoài việc đa phần là thiếu kiến thức về thị trường thì một thứ sai lầm lớn hơn nữa đó là KÌ VỌNG.
Những kỳ vọng phi lý sẽ giết chết chúng ta như thế nào ?
Trong một công việc kinh doanh, khi bạn đạt được những lợi nhuận lớn bạn sẽ quen với nó. Đến một ngày xấu trời lợi nhuận của bạn vẫn tốt chỉ không tốt bằng quá khứ nhưng bản thân bạn thấy điều đó là không thể chấp nhận được. Bạn đưa ra những quyết sách sai lầm, cắt giảm chi phí quá mức, bào mòn giá trị tương lai của doanh nghiệp và bạn dần dần thất bại.
Trong việc đầu tư cũng tương tự, khi bạn thu lợi nhuận lớn trong một giai đoạn thị trường tốt đẹp, bạn nghĩ rằng việc có được 50% 70% thật dễ dàng và suy nghĩ duy nhất là làm sao đẩy cao hơn nữa lợi nhuận đó. Bạn nhìn lợi suất ngân hàng 5-7% như một thứ gì đó vô nghĩa. Nhìn những con người chỉ biết gửi tiền tiết kiệm thật nhỏ bé và tầm thường. Khi còn suy nghĩ như vậy tôi cá là bạn chưa trải qua một chu kỳ nào cả.
Trong việc giao dịch ( trading ) điều đó còn khủng khiếp hơn khi một trader có thể x2 x3 thậm chí xx lần tài khoản chỉ trong một đêm hay vài đêm. Nó khiến cho anh ta ngồi mơ mộng về xe sang nhà đẹp du lịch bốn phương ngay sau khoảng vài tuần vài tháng nữa.
Công việc kinh doanh được tính bằng nhiều năm, đầu tư chứng khoán có thể tính bằng năm bằng tháng, và giao dịch có thể tính bằng ngày, giờ. Lợi nhuận càng lớn, càng nhanh càng khiến bạn dễ xa rời thực tế. Bạn khó chấp nhận những sự thật về lợi nhuận mà các nhà kinh doanh, nhà đầu tư, nhà giao dịch được cho là huyền thoại có được.
Áp lực từ việc tạo ra khoản lợi nhuận phi lý khiến bạn nóng vội và sai lầm. Bạn không bằng lòng với những khoản lợi nhuận nhỏ thông qua việc áp dụng đúng chiến lược, bạn sẵn sàng vào lệnh giao dịch không với điểm dừng lỗ, bạn sẵn sàng trả thù thị trường. Và bạn thất bại. Cũng nhanh như khi bạn đến với những thành công đầu tiên.
Trong việc giao dịch, khi tài khoản mới của bạn tăng quá nhanh, có những hệ thống sẽ nhắc nhở bạn rằng Xin hãy cẩn trọng, việc tăng tài khoản quá nhanh có thể xuất phát từ việc lạm dụng đòn bảy quá lớn hoặc một số giao dịch không đại diện cho toàn bộ kết quả của chiến lược. Tôi cá là đa phần chúng ta đều bỏ qua cảnh báo đó.
Đã có những quãng thời gian, trong tiếc nuối chúng tôi nói với nhau rằng:" Giá như giai đoạn đó chốt lời. Giá như biết đủ. Có phải mọi thứ đã tốt đẹp. " Nhưng ngẫm lại, nếu không có kì vọng lớn như vậy thì chúng tôi cũng chẳng thể giữ một mã cổ phiếu đến x5 x10 lần và để rồi nó trở về chia 5 chia 7 tài khoản. Không có bắt đầu thì không có kết thúc. Không bao giờ có Giá như cả.
Bạn cũng đừng bao giờ suy nghĩ "Chúng ta vào nhanh, kiếm lợi đủ rồi dừng lại. Chúng ta không cần chạy nhanh nhất chỉ cần không phải là thằng chạy chậm nhất là ổn". Sự kì vọng đó sẽ giết chết bạn. Cũng vẫn sẽ là "Giá như chúng ta biết đủ" mà thôi.
Vậy kì vọng bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là hợp lý?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta sẽ cần đi sâu hơn vào mục tiêu ban đầu.
Bạn muốn kiếm thu nhập, hay bạn muốn sinh lợi trong tương lai.
Bạn muốn năm sau mua nhà, hay đầu tư để 10 năm nữa cho con đi du học, để nghỉ hưu.
Kì vọng sinh lời của bạn từ một khoản vốn vay khác với vốn sẵn có của bạn.
Bạn có biết lãi suất kép 20%/ năm biến 1 tỷ tiền đầu tư ban đầu thành ~38 tỷ sau 20 năm.
Bài viết sau chúng ta sẽ cùng làm rõ mục tiêu của bạn là gì? Mục tiêu cụ thể đó sẽ quyết định kì vọng của bạn bao nhiêu là hợp lý, nó có thực tế không.
Và hãy luôn nhớ rằng:
- Lợi suất của chỉ số S&P 500 của Mỹ là ~ 11,7% hàng năm.
- Lợi suất của chỉ số VNINDEX là ~15% hàng năm.
- Lợi nhuận kép của nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett quanh mức 20% một năm.
- Lợi nhuận hàng năm của quỹ đầu tư định lượng thành công nhất mọi thời đại Medallion của tiến sĩ toán học Jim Simons quanh mức 39%.
Có thể với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo có những thành công vang dội hơn nhưng để lịch sử chứng minh tôi nghĩ những con số đó là đại diện.