CẢNH BÁO RỦI RO

⚠ Cảnh báo: Nội dung trên website Danh Mục Cổ Phiếu chỉ mang tính chất thông tin & đào tạo, không phải là lời khuyên đầu tư.
Chứng khoán là một lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, và mọi quyết định giao dịch đều cần được cân nhắc kỹ lưỡng dựa trên nghiên cứu cá nhân của mỗi nhà đầu tư.
  • 🔹 Hiệu suất giao dịch trong quá khứ không phản ánh kết quả trong tương lai.
  • 🔹 Việc mua/bán cổ phiếu có thể dẫn đến thua lỗ, thậm chí mất toàn bộ vốn đầu tư.
  • 🔹 Chúng tôi không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ tổn thất nào phát sinh từ việc sử dụng thông tin trên website này.
⚠ Hãy giao dịch một cách có trách nhiệm, quản lý vốn hợp lý và luôn tìm hiểu kỹ trước khi ra quyết định đầu tư!
📌 Nếu bạn chưa có kinh nghiệm, hãy tham khảo ý kiến từ chuyên gia tài chính trước khi tham gia thị trường.

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2025

Tại sao cổ phiếu tăng giá ? - Phần 1

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao cổ phiếu lại tăng giá ? Ví dụ điều kiện x,y,z xảy ra là cổ phiếu sẽ tăng giá.  
Có tin tức tốt, có báo cáo thu nhập tốt, có cổ đông lớn đăng ký mua vào, có hội nhóm hô hào, có mẫu hình tốt... Nếu có một câu trả lời một cách đầy đủ bằng định lượng thì chắc chúng ta đã rất rất thành công trong thị trường tài chính rồi.

Thực tế có quá nhiều biến số tác động đến thị trường khiến cho không có một mô hình nào dự đoán được chắc chắn khi nào cổ phiếu tăng giá? Vậy nên trong đầu tư họ mới đưa ra khái niệm là quản lý rủi ro (Rủi ro thị trường, Rủi ro riêng biệt của tài sản )

Với kiến thức và kinh nghiệm hạn chế của mình tôi sẽ cung cấp cho bạn một góc nhìn về câu trả lời Logic nào đằng sau chuyện một cổ phiếu tăng giá ?  để biết đâu bạn sẽ tìm kiếm được một lợi thế nhất định nào đó. 

Một tài sản sẽ có:
- Giá trị thực ( Được hiểu là giá hợp lý theo cách định giá của nhà đầu tư lớn - ko phải số đông )
- Giá thị trường ( Quyết định bởi quy luật Cung - Cầu )

Xét về giá trị thực là giá được định giá bởi nhà đầu tư lớn. Thị trường chứng khoán của chúng ta được quyết định bởi Quỹ Ngoại, Quỹ nội, Doanh nghiệp, Nhà đầu tư cá nhân. Có thể có những thời điểm nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng cao trong tổng lượng vốn trên thị trường CK nhưng chúng ta luôn là một tập thể thiếu đủ thứ ( kiến thức tài chính, kinh nghiệm thị trường, ổn định tâm lý.. vân vân mây mây )

Vậy thì định giá này được các Quỹ ngoại, Quỹ nội, Công ty chứng khoán định giá hộ. Và định giá này không cần thiết phải là đúng sai ( vì các pp định giá đều có các biến số tương lai như dự phóng doanh thu lợi nhuận...)  quan trọng là hành động của các tổ chức này khi giá đạt đến định giá. Họ sẽ thường bán ra khi giá vượt định giá và mua vào khi giá thấp hơn định giá một biên độ an toàn nào đó. 
Giả sử ông anh họ của bạn đang nắm Quỹ ABC sở hữu một lượng lớn cổ phiếu X nào đó, và bạn được ông ấy chia sẻ rằng bọn anh định giá là 50k. Thì bạn hãy hiểu đến giá đó họ sẽ xả ra một loạt hàng X luôn, có thể họ ko bán hết nhưng cũng đáng để lấy đó làm một mục tiêu cho chúng ta chốt lời.

Xét về giá thị trường được quyết định bởi quy luật cung cầu
Cung là người bán sẵn sàng bán giá thấp hơn
Cầu là người mua sẵn sàng mua giá cao hơn
Nhiều người sẵn sàng mua giá cao hơn thì giá tài sản sẽ tăng. Nhiều người sẵn sàng bán giá thấp hơn thì giá tài sản giảm. 
Giá cao lên thì nhiều người sẵn sàng bán ra và giá thấp đi thì nhiều người sẵn sàng mua vào. 

Khi nào cầu nhiều hơn cung: Khi dịch Covid lượng tiền của quỹ ngoại đầu tư vào thị trường tăng lên, lượng tiền của quỹ nội tăng lên, lượng tiền của nhà đầu tư tăng lên khiến thị trường tăng mạnh mẽ và thực tế những cơ hội như vậy không có nhiều. 
Khi nào cung nhiều hơn cầu: Trong năm 2024 vừa qua lượng tiền của quỹ ngoại bị rút ròng lớn, quỹ nội , nhà đầu tư cá nhân cũng không dư dả tiền  nên chỉ số chung không có tăng được. 

Vậy những điều kiện thuận lợi để giá cổ phiếu tăng đó là 
(1) Nó được các tổ chức lớn định giá cao hơn
(2) Thị trường có hỗ trợ tốt về dòng tiền của các thành phần tham gia Quỹ ngoại, Quỹ nội, Doanh nghiệp, Nhà đầu tư cá nhân. 

Để giải quyết vấn đề số (1) nó thuộc về Doanh nghiệp niêm yết. Định giá là kì vọng nên khi kì vọng doanh thu lớn hơn, lợi nhuận cao hơn sẽ khiến mức Định giá được điều chỉnh tăng lên. Ví dụ như các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ được định giá với PE cao hơn nhiều lần nhưng nó vẫn tiếp tục tăng giá, vì doanh thu , lợi nhuận của họ liên tục tăng trưởng. Việt Nam không có nhiều những công ty đột biến như vậy. 

Để giải quyết vấn đề số (2) chúng ta sẽ cùng tìm hiểu khi nào Lượng tiền của Quỹ ngoại, Quỹ nội, Doanh nghiệp, Nhà đầu tư cá nhân tốt hơn, tốt nhất. Điều gì tác động vào Lượng tiền này. 

Xét về quỹ Ngoại:
Thị trường tài chính được phân loại thành Thị trường phát triển ( Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...) Thị trường mới nổi ( Trung Quốc, Brasil, Thailand, Indo, Malay...) Thị trường cận biên ( Việt Nam...). Trong mỗi thị trường này đều có các quỹ đầu tư lớn, nhỏ nhiệm vụ của họ là kiếm lợi nhuận cho khách hàng đã đầu tư vào quỹ. 

Các quỹ này bắt đầu đầu tư tiền mà họ quản lý vào các tài sản khác nhau: Quỹ cổ phiếu thị trường phát triển, Quỹ đầu tư cổ phiếu thị trường mới nổi... Quỹ trái phiếu, Quỹ đầu tư bất động sản, Quỹ đầu tư mạo hiểm...Quỹ đầu tư hàng hóa...Mục tiêu là An toàn và Sinh lời. An toàn là mục tiêu trước nhất sau đó mới là Sinh lời. 

Xét về độ an toàn thì TT phát triển > TT mới nổi > TT cận biên.
Xét về kì vọng sinh lời thì TT phát triển < TT mới nổi < TT cận biên.

Vì mục tiêu an toàn được đặt lên trước nhất nên bất cứ rủi ro nào có thể xảy ra như chiến tranh, suy thoái, khủng hoảng dòng tiền này đều sẽ được hạ tỷ trọng ở những thị trường không an toàn. Dẫn đến việc rút ròng ở những thị trường này. Khi mọi thứ bớt xấu hơn, dòng tiền này sẽ lại tăng tỷ trọng tại các thị trường mới nổi, cận biên. 

Thêm nữa vấn đề lượng tiền của dòng tiền này sẽ phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của các quốc gia phát triển. Khi họ áp dụng một chính sách tiền tệ nới lỏng với lãi suất thấp hơn cũng sẽ thúc đẩy việc tăng tỷ trọng đầu tư vào các thị trường cận biên mới nổi.

Xét về quỹ nội, doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân:
Dòng tiền này bị ảnh hưởng bởi chính sách tiền tệ của Việt Nam. Khi chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất duy trì ở mức thấp, tăng vòng quay tiền, nới lỏng các điều kiện cho vay...thì cũng làm tăng lượng tiền vào thị trường chứng khoán. 
Còn một yếu tố nữa đó là sự tích lũy của nhà đàu tư cá nhân, khi sự tích lũy của nhà đầu tư cá nhân đủ lớn thì tổng lượng vốn của lực lượng này cũng sẽ tác động lớn vào dòng vốn của thị trường. Ví dụ giai đoạn covid, khi lượng ndt cá nhân tăng nhanh, với tích lũy lớn khiến thị trường tăng nóng, thậm chí khi dòng tiền ngoại rút ra, thì đối ứng lại là sự mua vào mạnh mẽ của nđt cá nhân trong nước. 

Vậy kết luận khi nào thị trường tăng giá: 
(1) Doanh nghiệp tăng trưởng tốt. Có mức định giá tốt hơn. Kì vọng tăng trưởng tốt hơn 
(2) Chính sách tiền tệ nới lỏng tại Việt Nam. Chính sách tiền tệ nới lỏng tại các thị trưởng phát triển. 

Một một vấn đề chúng ta cần nhìn nhận thêm đó là việc tỷ trọng của dòng tiền nào lớn thì trạng thái của dòng tiền đó sẽ quyết định xu hướng của thị trường. Ví dụ như giai đoạn Covid, tỷ trọng vốn của nđt cá nhân lớn khiến thị trường vẫn duy trì đà tăng ngay cả khi các thị trường lớn giảm. Hoặc trong năm 2024 tỷ trọng của dòng vốn ngoại lớn và bị rút ròng khiến vốn nội địa không thể đối ứng được. 

Vậy điêu gì sẽ xảy ra khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng lên thành Thị trường mới nổi ? 
Yếu tố lớn nhất thay đổi đó là Dòng tiền ngoại, các quỹ đầu tư cổ phiếu tại thị trường cận biên sẽ rút khỏi VN, thay thế vào đó là các quỹ đầu tư cổ phiếu tại thị trường mới nổi. Các quỹ mới này sẽ có lượng tiền dồi dào hơn nhiều lần so với các quỹ thị trường cận biên. Thanh khoản chứng khoán sẽ tăng nhiều lần. Và hiển nhiên giá sẽ tăng nhiều lần. 

Bài viết sau chúng ta sẽ thảo luận về chính sách tiền tệ, tài khóa các yếu tố vĩ mô ảnh hưởng ntn đến những dòng vốn mà chúng ta vừa bàn tới. Liệu có một mô hình định lượng nào để có thể xác định khi nào nên tham gia thị trường và khi nào nên rút lui khỏi thị trường không? Liệu những mô hình đó có bị chậm không khi chứng khoán là kì vọng ,diễn biến của thị trường CK sẽ đi trước diễn biến của nền kinh tế ?