Trong nhiều khoá học tôi có hỏi người đào tạo về hệ thống phân ngành và cách để theo dõi các mã chứng khoán. Và chưa một khoá học nào tôi nhận được câu trả lời đầy đủ. Có thể người đào tạo cho rằng đó là những kiến thức cơ bản, ai cũng phải biết hoặc phương pháp giao dịch của họ chỉ quan tâm đến một số doanh nghiệp thuộc một số ngành cụ thể...Vì lí do gì thì tôi nghĩ rằng việc nắm bắt được hàng trăm đến hàng nghìn mã cổ phiếu và những tiêu chí cơ bản nhất để lựa ra cho bản thân một danh sách là cần thiết. Chúng ta đi buôn tất nhiên chúng ta cần biết đang buôn hàng hoá gì.
Có một số hệ thống phân ngành phổ biến như GICS , ICB...phụ thuộc vào đặc điểm nền kinh tế của các quốc gia khác nhau. Tôi không đủ kiến thức cũng như tìm hiểu để giải thích một cách hàn lâm cho bạn hiểu nhưng về cơ bản đối với người giao dịch như chúng ta phân ngành dùng để:
- Theo dõi danh sách công ty dễ hơn,
- Đánh giá các công ty cùng ngành dễ hơn,
- Nhận biết xu hướng ngành dễ hơn,
- Lựa chọn kết hợp danh mục, đa dạng hoá hoặc tập trung và một nhóm ngành cụ thể.
- Đánh giá cấu trúc của nền kinh tế đang theo dõi
- Đánh giá ngành đang trong chu kỳ nào Mới nổi, Tăng trưởng, Bão hoà, Suy yếu.
Tôi thường sử dụng phân ngành GICS hay dùng cho thị trường chứng khoán Mỹ vì đó là thị trường lớn và nền kinh tế đa dạng. GICS sẽ bao gồm 11 ngành chính:
2. Dịch vụ truyền thông
3. Tiêu dùng không thiết yếu
4. Tiêu dùng thiết yếu
5. Năng lượng
6. Tài chính
7. Chăm sóc sức khoẻ
8. Công nghiệp
9. Nguyên vật liệu
10. Bất động sản
11. Tiện ích
Tại sao phân ngành lại quan trọng với người giao dịch ?
Trạng thái của mỗi nền kinh tế, mỗi quốc gia là khác nhau, mục tiêu phát triển của các quốc gia khác nhau dẫn đến cấu trúc nền kinh tế và định hướng tập trung phát triển các ngành kinh tế của quốc gia đó khác nhau. Hiểu nôm na như việc nhu cầu ăn uống, tập luyện của ông U40 khác ông U30 khác bạn trẻ 20 và khác trẻ con tiểu học.
Ví dụ kinh tế Mỹ là nền kinh tế tiêu dùng, từ những năm 1960 Mỹ định hướng cho người dân tăng chi tiêu cá nhân, hộ gia đình, sử dụng nhiều vay tiêu dùng hơn biến Mỹ thành quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới. Logic từ định hướng đó kéo theo việc các ngành kinh tế như tiêu dùng thiết yếu, tiêu dùng không thiết yếu, tài chính, chăm sóc sức khoẻ, công nghệ sẽ phát triển. Song song với đó các ngành như Nguyên vật liệu, bất động sản, công nghiệp sẽ ít có dư địa tăng trưởng hơn.
Với Việt Nam thì lại khác chúng ta đang trong quá trình phát triển, việc đô thị hoá, đầu tư công, hoàn thiện hạ tầng sẽ dẫn đến những ngành như Bất động sản, xây dựng còn nhiều dư địa tăng trưởng ( tương tự như giai đoạn đô thị hoá và phát triển hạ tầng của Trung Quốc ). Song song với đó sẽ là ngành Tài chính ( Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm ) nơi và các doanh nghiệp cần nhiều vốn để huy động cho việc mở rộng kinh doanh. Rồi sự phát triển theo trend chung đó là công nghệ, thì các ngành Viễn thông, hạ tầng mạng... hiển nhiên phải tăng trưởng ( Xây dựng hạ tầng 4 5G...), hoặc như phát triển AI, bán dẫn thì ngành Năng lượng cũng sẽ cần được ưu tiên và hiển nhiên là sản lượng điện tăng , doanh thu của họ tăng lên.
Vậy với nền kinh tế của Việt Nam ở giai đoạn hiện tại những ngành như Chăm sóc sức khoẻ đâu có nhiều cơ hội như ngành Bất động sản. Không phải tự dưng mà Ngân hàng, Chứng khoán, Bất động sản hay thép ( Nguyên vật liệu ) lại chiếm tỷ trọng cao trong danh sách các công ty niêm yết. Đó là do tính chất của giai đoạn phát triển và định hướng của nền kinh tế Việt Nam cần một cấu trúc như thế.
Giả sử bạn có thông tin rằng định hướng của Chính phủ phát triển theo hướng abc, hướng này sẽ cần thúc đẩy các ngành liên quan như Tài chính, BĐS, Nguyên vật liệu, Công nghê... vậy thì trong cái định hướng kéo dài cả 5-10-20 năm đó. Các ngành đó sẽ là ngành được ưu tiên dồn nguồn lực phát triển nhất. Tìm kiếm cơ hội ở những ngành đó chắc chắn khả thi hơn những ngành khác đúng không ?
Ngoài việc phân ngành theo GICS, còn có vai trò đánh giá chu kỳ kinh tế. Có một mối liên hệ giữa việc xu hướng giá cổ phiếu của ngành kinh tế và chu kỳ kinh tế. Cái này sẽ thể hiện rõ hơn ở thị trường Mỹ, còn thị trường Việt Nam thì không rõ ràng bằng.
Trong bài viết sau tôi sẽ đưa chi tiết danh sách các mã cổ phiếu theo từng ngành để chúng ta cùng thảo luận và theo dõi. Bạn có thể dựa vào đó để tạo danh sách theo dõi của riêng mình.